Công ty khởi nghiệp fintech, cú hích thúc đẩy Tài chính toàn diện

Công nghệ giúp người dùng, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn và với mức chi phí thấp nhất. Vì vậy, công ty fintech (công nghệ tài chính) chính là “cú hích” thúc đẩy tài chính toàn diện.

Đề án Chiến lược Tài chính toàn diện 

Tài chính toàn diện là giải pháp giúp việc cung dịch vụ tài chính chính thức (chuyển tiền, thanh toán, tín dụng, bảo hiểm, cho vay,..) dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, phù hợp với mong muốn khách hàng kèm theo đó là mang đến mức chi phí phù hợp với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thực tế, việc triển khai tài chính toàn diện này đã thu hút hơn 60 quốc gia trên thế giới tham gia. Họ xây dựng, triển khai các chiến lược tài chính toàn diện, hướng người dùng tới fintech. Không chỉ thế, việc triển khai tài chính toàn diện cũng là một phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện lao động, mang lại cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Đầu năm 2020 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã phê duyệt đề án Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng triển khai đến năm 2030. Chiến lược này đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 80% người trưởng thành có ít nhất một tài khoản cá nhân tại ngân hàng thương mại hoặc các công ty, tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép, tiến tới mục tiêu lớn hơn:

  • Mỗi người trưởng thành bỏ túi một tài khoản giao dịch tại ngân hàng vào năm 2030.
  • Số lượng giao dịch không dùng tiền mặt đạt mốc tăng 20 - 255 cho mỗi năm.
  • Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành.
  • Ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, ngân hàng.
  • Ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng…

Đánh giá kỹ hơn về mục tiêu của Chiến lược này, Việt Nam vẫn đang còn rất công việc đang cần phải thực hiện để thúc đẩy phát triển toàn diện khi mà hiện nay chỉ có khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng và 70% dân số còn lại chưa có tài khoản ngân hàng tập trung sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phát triển tài chính toàn diện quốc gia

Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này hầu hết ảnh hưởng từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn tại các khu vực dân cư này vẫn tập trung chủ yếu vào các ngân hàng. Trong khi đó, ngoại trừ Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội, hầu hết các ngân hàng không khai thác tiềm năng ở vùng nông thôn mà chỉ dồn lực vào chăm sóc khách hàng tại các đô thị lớn. Vì thế tại những khu vực này, có rất ít những điểm ngân hàng hay cây ATM.

Fintech thúc đẩy Tài chính toàn diện

Những điều tuyệt vời đã xảy đến khi kỷ nguyên số bùng nổ, mang đến cơ hội mới trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Công nghệ đã giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, làm mọi hoạt động vận hành nhanh hơn, thuận tiện hơn và mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới có ích, chi phí cũng thấp hơn nhiều so với những sản phẩm truyền thống.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực thanh toán, sự tham gia của các công ty tài chính fintech đã tạo những bước đi đột phá trong lĩnh vực này. Giờ đây, chỉ cần một ví điện tử (e-wallet) cài đặt trên thiết bị di động, tablet, người dân ở bất kỳ đâu có thể tham gia thanh toán các dịch vụ cần thiết, nhiều loại hàng hóa khác nhau mà không cần tiền mặt. Điều này cũng là mong muốn của Chính phủ khi xây dựng Đề án không dùng tiền mặt.

Không thể phủ nhận sự tham gia của các công ty fintech Việt Nam đã góp phần xây dựng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm gần đây và chắc chắn hiệu quả sẽ còn được nhân lên nhiều khi mà tới đây các doanh nghiệp viễn thông cũng được tham gia vào nền tảng fintech thanh toán với một hình thái mới có nhiều bứt phá hơn, mức độ “phủ sóng” cũng được dự báo là rộng hơn rất nhiều, đó là Mobile Money.

Hay như trong lĩnh vực tín dụng và cho vay cũng sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nguyên nhân một phần cũng bởi hiện gánh nặng về vốn của nền kinh tế thị trường đang dồn hết lên vai các ngân hàng. Trong khi nguồn vốn vay chủ yếu được lấy từ tiền gửi người dùng, nên các ngân hàng luôn cẩn trọng trong quá trình giao dịch cho vay nhằm đảm bảo lượng vốn luôn nằm ở mức an toàn. Vì thế tài sản đảm bảo, dòng tiền vay nợ cùng các dự án đầu tư kinh doanh khả thi là những tiêu chí gắt gao các ngân hàng đặt ra cho người đi vay. Thế nhưng, đa phần các doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được những tiêu chí này, việc vay vốn còn gặp nhiều khó khăn.

Thật may mắn khi giờ đây công nghệ phát triển, người vay vốn có thể kết nối trực tiếp với những người cho vay, nhà đầu tư mà không cần qua khâu trung gian là các tổ chức tài chính ngân hàng. Và đây được gọi là mô hình fintech Cho vay ngang hàng (P2P Lending) mà các công ty fintech trong nước và quốc tế đang mở rộng và phát triển thêm.

Nói như vậy để thấy, kỷ nguyên số hay công nghệ tài chính đã mang đến một cơ hội tuyệt vời để củng cố thêm vào mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Hay nói một cách khác, để phát triển tài chính toàn diện, không thể thiếu được sự có mặt của fintech, cầu nối của ngành tài chính. Thậm chí theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN: “Mọi dịch vụ ngân hàng đều phải xây dựng được ứng dụng thông minh trên chiếc điện thoại di động. Chừng nào chúng ta không làm được điều đó có nghĩa là chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện”.